banner top

Mai Hắc Ðế, vở diễn khơi dậy lòng tự hào dân tộc

Cảnh trong vở Mai Hắc Ðế của Nhà hát cải lương Việt Nam.

Vở diễn Mai Hắc Ðế (tác giả Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể và đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên) vừa được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng và ra mắt công chúng đầu tháng hai. Vở diễn khai thác một giai đoạn lịch sử trọng đại của dân tộc, ca ngợi tấm gương bất khuất của người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan, khơi lại niềm tự hào cũng như trách nhiệm của mọi con dân đất Việt trước vận mệnh đất nước.

Vở cải lương Mai Hắc Ðế mô tả cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, người được sự tin yêu của nhân dân vì sức mạnh dũng mãnh cũng như tài trí hơn người. Ách đô hộ tham tàn của nhà Ðường khiến nhân dân lâm vào cảnh lầm than. Xuất thân nông phu, nhưng chàng trai họ Mai luôn tìm ra chân lý trong cuộc sống đời thường để vượt lên, trở thành người anh hùng. Không quá lệ thuộc vào những trang dã sử, thậm chí có những điểm phát hiện so với chính sử, tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ đã khai thác tốt những điểm tựa cho vở diễn được bay bổng trong khoảng trời sáng tạo. Ðó là việc tìm kiếm tư liệu về năm khởi nghĩa của Mai Thúc Loan không đúng như chính sử ghi là vào năm 722 mà là năm 713; và cuộc khởi nghĩa này không phải là bột phát của những người phu đi cống nộp vải cho nhà Ðường mà thật ra đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng từ 10 năm trước. Rồi cảnh diễn khi gặp Thần thi Vương Bột được tác giả tái tạo dựa trên cứ liệu thi nhân này gặp nạn vài chục năm trước trên đúng mảnh đất quê hương Mai Thúc Loan. Dụng ý chính của tác giả khá rõ với cuộc gặp mặt trong tâm tưởng này: người dân Việt luôn trọng thi ca và thi nhân, lại biết phân biệt rất rõ kẻ thù là quan quân nhà Ðường tham tàn chứ không phải những người dân Hán, tộc người Hán.

Ðạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết, xung đột chính của vở diễn mà anh dàn dựng là xung đột giữa tầng lớp vua quan phong kiến và quan lại phương Bắc với cả cộng đồng người dân An Nam, nhưng giữa người dân của hai nước lại hoàn toàn thân thiện, gần gũi, nhân ái. Ðể thực hiện vở diễn, đạo diễn không cố gắng tìm kiếm những thủ pháp quá tân kỳ. Anh chọn cách kể chuyện dung dị để khán giả đồng cảm, thông hiểu...Dù vậy, vở diễn đã có những xử lý dàn dựng khá công phu, sự kết hợp khá táo bạo và ăn ý giữa cảnh diễn và màn hình LED. Âm thanh sống động, kết hợp tốt với động tác diễn nên đem lại nhiều cảm xúc chân thực cho cả người diễn và người thưởng thức. Hàng trăm diễn viên được huy động để tả lại quang cảnh hoành tráng, đúng tinh thần lịch sử.

Với dàn diễn viên có ngoại hình tốt, giọng ca truyền cảm và nghệ thuật biểu diễn khá nhập vai, cả tập thể nghệ sĩ dồn công sức cho đêm diễn. Thông thường, những vở diễn về các nhân vật lịch sử thật khó để có thể tạo sức hấp dẫn theo cách hiểu có sự hài hước, có những éo le, có những chất kịch tính của những câu chuyện đời thường. Mô tả cuộc đời các nhân vật lịch sử đòi hỏi nhiều ở sự chân thực, có những trói buộc trong sáng tạo của tác giả, của đạo diễn. Vượt qua được cái ngưỡng đó, đem tới những đêm diễn hấp dẫn hoàn toàn chẳng dễ dàng.

Cốt truyện kịch vì vậy đã khai thác khá nhiều những nhân vật phụ quanh Mai Thúc Loan như cuộc đời éo le của Bạch Vân, cam chịu lấy kẻ thù là viên quan tổng trấn để trả thù nhà, đền nợ nước. Hay những màn đăng triều hài hước, màn tận thu đồ cống nạp, màn hối lộ cho viên quan Hoan Châu, rồi tới ba màn múa khá dài với phần biên đạo múa và trang phục bắt mắt... Tuy nhiên, vẫn còn những "hạt sạn" nhỏ như sự lặp lại ý tứ của màn giao kết giữa các nước, màn cùng tề tựu để thề quyết chiến với kẻ thù chung... Ðặc biệt, vẫn chưa lý giải được vì sao Mai Thúc Loan lại có sức ảnh hưởng lớn như vậy tới các châu khác, tới những nước lân bang để có thể đủ sức khiến họ chấp nhận quy tụ dưới cờ nghĩa của ông. Mâu thuẫn, kịch tính còn chưa đủ "nặng" để thoát khỏi âm hưởng mô tả, kể chuyện về người anh hùng. Ðôi trường đoạn hơi dài, nhân vật chính bị khuất lấp.

Song, về tổng thể, vở diễn đã có được sự kết dính, đem lại nhiều xúc cảm cho người xem, như sự minh chứng cho việc qua những bài học lịch sử, đem tới cho công chúng hiện đại những ý nghĩa tích cực. Phản ánh hiện thực không chỉ là những vở lấy đề tài hiện đại mà chính là xuất phát từ chất liệu cuộc sống hôm nay với những điều đã, đang là vấn đề đặt ra từ hiện thực được đông đảo người dân quan tâm: làm sao để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ngàn đời. Khi đất nước đứng trước sự kiện trọng đại, rất tự nhiên, lòng người dường như thuận hơn cho việc kết lại thành khối. Nghệ thuật phản ánh được tâm tư nguyện vọng của người dân thiết tha với vận mệnh đất nước, đem lại được sự hứng khởi, ý thức tự hào dân tộc... Lòng tự hào trước truyền thống bất khuất, đánh thắng kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần cũng là điểm tựa cho lòng dân hôm nay.

theo nhandan

Các Tin liên quan