Quy chế về tổ chức và hoạt động của hội đồng Họ Mai Việt Nam
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 9 tháng 4 năm 2022
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG
HỌ MAI VIỆT NAM
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Tên gọi.
1. - Tên gọi đầy đủ: Hội đồng họ Mai Việt Nam.
- Tên tiếng anh: Viet Nam Mai Family Council.
- Tên viết tắt: HĐHMVN.
-Website: http://homaivietnam.com
- Địa chỉ: 60A – Nguyễn Chí Thanh – Đống Đa – Hà Nội.
2. - Tài khoản: 020091616166 – Ngân hàng Sacombank
Chi nhánh Thăng Long, Hà Nội.
Điều 2: Tôn chỉ, mục đích
-Tôn chỉ: Hội đồng họ Mai Việt Nam là tổ chức xã hội dòng họ, hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam.
-Mục đích: Hoạt động của Hội đồng họ Mai Việt Nam nhằm tập hợp, đoàn kết những người họ Mai trong và ngoài nước (kể cả những người họ Mai do hoàn cảnh lịch sử đã đổi sang họ khác) có chung tâm nguyện hướng về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân tổ tiên, phát huy truyền thống văn hóa, giữ gìn đạo đức, gia phong, xây dựng họ Mai thành một dòng họ “Đoàn kết, tri thức, phát triển” góp phần cùng các dòng họ khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh văn minh.
CHƯƠNG II:
NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG VÀ BỘ MÁY TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG HỌ MAI VIỆT NAM
Điều 3: Nguyên tắc hoạt động
- Đoàn kết, dân chủ, đồng thuận, kỉ cương và trách nhiệm.
- Hoạt động tuân theo chế độ dân chủ tập thể, quyết định theo đa số. Mọi kết luận, quyết định phải được sự nhất trí của 2/3 số ủy viên có mặt đồng ý mới có giá trị.
- Bình đẳng, tôn trọng quyền tự chủ, tự quản của hội đồng họ Mai ở các địa phương.
Điều 4: Hệ thống tổ chức của họ Mai Việt Nam.
Tổ chức của họ Mai Việt Nam được xây dựng theo hệ thống bốn cấp gồm:
- Cấp trung ương: hội đồng họ Mai Việt Nam.
- Cấp tỉnh, thành phố: Hội đồng họ Mai tỉnh, thành phố hoặc khu vực.
- Cấp huyện: Hội đồng họ Mai huyện hoặc liên huyện.
- Cấp xã: Hội đồng họ Mai xã hoặc liên xã.
Điều 5: Hội đồng họ Mai Việt Nam.
- Hội đồng họ Mai Việt Nam do đại hội đại biểu họ Mai toàn quốc hoặc đại hội bất thường bầu, nhiệm kì 5 năm.
- Số lượng ủy viên hội đồng có từ 45-55 người.
- Cơ cấu:
- Gồm một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ và nguyên là cán bộ trong hệ thống trính trị và lực lượng vũ trang, lãnh đạo một số doanh nghiệp, chủ tịch, hoặc phó chủ tịch hội đồng họ Mai khu vực, các tỉnh, thành phố, và một số huyện.
- Tiêu chuẩn: Gia đình và bản thân gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, quy định của Địa phương, Cơ quan, Đơn vị, hết lòng vì sự phát triển của dòng họ, có uy tin, có khả năng vận động, thuyết phục, hòa giải các vấn đề nảy sinh trong sinh hoạt họ, có tuổi đời không quá 80, đủ sức khỏe và các điều kiện khác để tham gia hoạt động của Hội đồng.
Điều 6: Hội đồng họ Mai các địa phương.
- Hội đồng họ Mai địa phương gồm: Hội đồng cấp tỉnh, thành hoặc khu vực, Hội đồng họ Mai cấp huyện hoặc liên huyện, Hội đồng họ Mai cấp xã hoặc liên xã.
- Số lượng: Tùy theo địa bàn, số ngành, chi họ ở mỗi địa phương mà quyết định số lượng thành viên của Hội đồng cho phù hợp.
- Tiêu chuẩn: Ủy viên Hội đồng họ Mai ở các địa phương là những Người họ Mai tiêu biểu, về đạo đức,có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực đủ sức khỏe và các điều kiện cần thiết khác để tham gia các hoạt động của Hội đồng.
- Đối với các địa phương chưa đủ các điều kiện để thành lập Hội đồng, có thể thành lập ban liên lạc lâm thời để làm công tác chuẩn bị. Khi đủ điều kiện thì tổ chức đại hội đại biểu ( hoặc đại hội toàn thể) để bầu Hội đồng họ Mai của địa phương mình, báo cáo kết quả lên Hội đồng họ Mai cấp trên trực tiếp để được phê duyệt.
Điều 7: Mối quan hệ giữa Hội đồng họ Mai Việt Nam với Hội đồng họ Mai địa phương.
Mối quan hệ giữa Hội đồng họ Mai Việt Nam với Hội đồng họ Mai các địa phương là mối quan hệ hướng tâm mang tính phối hợp, bình đẳng trong hoạt động, tạo sự đồng thuận vì sự đoàn kết phát triển của dòng họ.
- Đối với Hội đồng họ Mai Việt Nam:
- Xây dựng kế hoạch để định hướng cho Hội đồng họ mai các địa phương hoạt động.
- Cung cấp thông tin, phổ biến kinh nghiệm hoạt động của họ Mai cả nước cho họ Mai ở các địa phương bằng những hình thức phù hợp.
- Đối với họ Mai các địa phương.
- Phát huy tinh thần chủ động, vận dụng linh hoạt các nghị quyết,kế hoạch của Hội đồng họ Mai Việt Nam sát với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương để thực hiện.
- Định kì hàng năm hoặc đột xuất Hội đồng họ Mai cấp dưới phải gửi báo cáo về tình hình và kết quả hoạt động lên Hội đồng họ Mai cấp trên trực tiếp.
- Những vấn đề, những việc còn có ý kiến khác nhau giữa Hội đồng họ Mai cấp trên với Hội đồng họ Mai cấp dưới thì Hội đồng họ Mai cấp trên trực tiếp lắng nghe, tôn trọng ý kiến cấp dưới, trao đổi có lí có tình, trên tinh thần xây dựng và chia sẻ với nhau, tất cả vì sự đồng thuận và phát triển của dòng họ.
CHƯƠNG III
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA HỘI ĐỒNG HỌ MAI VIỆT NAM.
Điều 8: Chức năng, nhiệm vụ.
1. Chức năng:
Tập trung kết nối và xây dựng các ngành, chi họ Mai vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, hướng về cội nguồn, tri ân tổ tiên, cổ vũ động viên các thành viên trong dòng họ nỗ lực phấn đấu góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng dòng họ Mai ngày càng thịnh vượng.
2. Nhiệm vụ:
a. Tổ chức, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đại hội đại biểu họ Mai Việt Nam.
b. Xây dựng, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tổ chức làm cho tổ chức dòng họ ngày càng gắn kết, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.
c. Đại diện cho họ Mai cả nước tham gia các hoạt động có liên quan đến họ Mai ở Trung ương, các Địa phương; giải quyết mối quan hệ với các dòng họ Việt Nam khác.
d. Nghiên cứu, xuất bản phát hành các loại ấn phẩm về dòng họ, sưu tầm, các tài liệu thư tịch cổ, hướng dẫn các chi họ nối phả, viết phả.
e. Bầu, miễn nhiệm các ủy viên của cơ quan thường trực Hội đồng họ Mai Việt Nam.
Điều 9: Cơ quan (Ban) Thường trực của Hội đồng họ Mai Việt Nam.
1. Cơ quan Thường trực Hội đồng họ Mai Việt Nam do Hội đồng họ Mai bầu ra trong số các ủy viên Hội đồng họ Mai Việt Nam, số lượng không quá 11 thành viên, bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng họ Mai Việt Nam.
- Các Phó chủ tịch Hội đồng họ Mai Việt Nam phụ trách các lĩnh vực, và địa bàn hoạt động.
2. Nhiệm vụ của cơ quan Thường trực.
a. Triển khai, hướng dẫn Hội đồng họ Mai các cấp thực hiện các chủ trương, nghị quyết,... của Hội đồng họ Mai Việt Nam.
b. Phê duyệt, công nhận, miễn nhiệm nhân sự là Chủ tịch, các phó Chủ tịch và Quy chế hoạt động của Hội đồng họ Mai cấp Tỉnh, Thành phố hoặc Khu vực.
c. Chuẩn bị các báo cáo, các tài liệu liên quan phục vụ cho hội nghị của Hội đồng và Đại hội đại biểu họ Mai toàn quốc.
d. Các thành viên cơ quan Thường trực Hội đồng chịu trách nhiệm về phạm vi, lĩnh vực chuyên môn được giao.
Điều 10: Chủ tịch Hội đồng họ Mai Việt Nam.
1. Chủ tịch Hội đồng họ Mai được bầu ra trong số ủy viên của Hội đồng họ Mai Việt Nam. Là người có khả năng quy tụ, đoàn kết các thành viên dòng họ. Có tuổi đời không quá 80.
2. Chủ tịch Hội đồng họ Mai Việt Nam chịu trách nhiệm điều hành chung mọi hoạt động của Hội đồng.
3. Chủ trì các phiên họp của Hội đồng. Chủ tịch có thể ủy quyền cho Phó chủ tịch Thường trực hoặc Phó chủ tịch Hội đồng khác chủ trì cuộc họp nếu Chủ tịch vắng mặt.
4. Thay mặt Hội đồng ký quyết định ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Mai Việt Nam; quyết định; công nhận, miễn nhiệm Chủ tịch các Phó chủ tịch họ Mai cấp Tỉnh, Thành phố và Khu vực.
5. Ký quyết định bổ sung hoặc miễn nhiệm ủy viên Hội đồng họ Mai Việt Nam và các hình thức khen thưởng bậc cao của Hội đồng.
Điều 11: Các Phó chủ tịch Hội đồng họ Mai Việt Nam.
1. Các Phó chủ tịch điều hành các hoạt động của Hội đồng theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng.
2. Chủ tịch Hội đồng phân công một Phó chủ tịch Thường trực, được ủy nhiệm làm chủ tài khoản của Hội đồng họ Mai Việt Nam và điều hành thường xuyên công việc của hội đồng, chủ trì các cuộc họp khi chủ tịch vắng mặt, ký các văn bản và duyệt các khoản chi đã được hội đồng quy định.
3. Các Phó chủ tịch Hội đồng họ Mai Việt Nam được Chủ tịch phân công đảm nhiệm các lĩnh vực, địa bàn có trách nhiệm triển khai thực hiện và chủ động phối hợp các Phó chủ tịch khác về những việc có liên quan, khi có công việc lớn của dòng họ thì tất cả các Phó chủ tịch đều tập trung vào công việc chung dưới sự điều hành của chủ tịch hoặc Phó chủ tịch thường trực.
Điều 12. Các ủy viên Hội đồng họ Mai Việt Nam.
- Chấp hành nghiêm túc quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Mai Việt Nam.
- Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng (trừ trường hợp có lý do chính đáng) tích cực thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào công việc chung của dòng họ.
- Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được Thường Trực và Chủ tịch Hội đồng phân công.
- Tích cực tuyên truyền, cung cấp thông tin, hoặc trực tiếp viết bài để đăng tải trên các kênh thông tin của dòng họ.
- Có quyền thảo luận, biểu quyết, quyết định tất cả các vấn đề thuộc trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng họ Mai Việt Nam.
- Có quyền chất vấn và được trả lời về những vấn đề hoạt động có liên quan đến Hội đồng và những thành viên khác trong Hội đồng.
- Có quyền ứng cử, đề cử vào các chức danh trong Hội đồng họ Mai Việt Nam.
- Có quyền đề xuất với Thường trực Hội đồng và hội đồng họ Mai Việt Nam về các chủ trương, giải pháp để xây dựng họ Mai ngày càng vững mạnh.
- Được cung cấp thông tin về hoạt động của họ Mai Việt Nam, được cấp bản tin “Dòng họ Mai”.
- Được thăm hỏi khi ốm đau, hoạn nạn, được phúng viếng tứ thân phụ mẫu hoặc bản thân khi từ trần.
Điều 13: Bộ phận giúp việc.
1. Bộ phận giúp việc của Hội đồng họ Mai Việt Nam do Thường trực tuyển chọn với số lượng từ 6 – 8 người là người họ Mai, hoặc người ngoài họ, có trình độ chuyên môn sâu, hiểu biết về các lĩnh vực như: lịch sử dòng họ, kế toán, truyền thông, đối ngoại, văn thư, …vv
2. Bộ phận giúp việc của Hội đồng họ Mai Việt Nam hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó chủ tịch phụ trách các ban:
- Ban nghiên cứu lịch sử dòng họ và truyền thông.
- Ban xây dựng, tổ chức kết nối dòng họ.
- Ban khuyến học, khuyến tài, thi đua, khen thưởng.
- Ban văn phòng, đối ngoại, khánh tiết.
- Ban tài chính, hậu cần.
- CLB doanh nhân họ Mai Việt Nam.
CHƯƠNG IV
ĐẠI HỘI, HỘI NGHỊ, CHẾ ĐỘ, THÔNG TIN BÁO CÁO
Điều 14: Đại hội đại biểu họ Mai toàn quốc
1. Đại hội đại biểu họ Mai toàn quốc là cơ quan cao nhất của họ Mai Việt Nam có quyền quyết định những vấn đề cốt lõi, hệ trọng trong xây dựng và phát triển của dòng họ, được tổ chức năm (5) năm một lần do Hội đồng họ Mai Việt Nam quyết định và triệu tập.
2. Đại hội đại biểu họ Mai toàn quốc bất thường được triệu tập khi có một trong hai điều kiện sau:
a. Có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng họ Mai Việt Nam đề nghị triệu tập đại hội
b. Có ít nhất 2/3 số Hội đồng họ Mai ở cấp tỉnh, khu vực đề nghị triệu tập đại hội.
3. Số lượng đại biểu dự đại hội do Hội đồng cấp triệu tập quyết định.
Thành phần gồm:
- Uỷ viện Hội đồng họ Mai đương nhiệm.
- Đại biểu là người họ Mai được hiệp thương bầu, chọn ở các ngành chi họ.
- Đại biểu là khách mời.
4. Nội dung chính của đại hội đại biểu (hoặc đại hội Đại biểu bất thường) họ Mai toàn quốc gồm:
a. Thông qua báo cáo Tổng kết hoạt động nhiệm kỳ, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ mới.
b. Thảo luận thông qua Quy chế hoạt động hoặc bổ sung sửa đổi một số điều quy chế hoạt động của Hội đồng họ Mai Việt Nam.
c. Thông qua các báo cáo khác (nếu có).
d. Bầu cử Hội đồng họ Mai khóa mới.
- Việc bầu cử được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết giơ tay, thực hiện hình thức nào do đại hội quyết định
- Những người đạt trên 50% số đại biểu tham dự đại hội đồng ý là trúng cử. Nếu có nhiều người được quá 50% đại biểu đồng ý thì được tính từ cao xuống cho tới khi đủ số lượng được bầu do đại hội quyết định.
Điều 15: Hội nghị của Hội đồng họ Mai Việt Nam.
1. Hội nghị thường kỳ của Hội đồng họ Mai Việt Nam do Thường trực hội đồng triệu tập và tổ chức mỗi năm 1 lần vào tháng cuối cùng của năm hoặc tháng đầu tiên của năm sau. Khi cần có thể họp đột xuất.
2. Nội dung hội nghị Hội đồng họ Mai Việt Nam.
- Xem xét, thông qua các báo cáo hoạt động của Hội đồng họ Mai Việt Nam thời gian qua và kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.
- Bầu bổ sung, miễn nhiệm, hoặc xử lý vi phạm đối với các ủy viên Hội đồng họ Mai Việt Nam.
- Thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng khác của dòng họ.
- Xét và quyết định khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp cho hoạt động của dòng họ.
3. Cơ quan (Ban) Thường trực Hội đồng họ Mai Việt Nam 3 tháng họp một lần do Chủ tịch Hội đồng triệu tập, khi cần có thể họp đột xuất.
- Chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp của Hội đồng; giải quyết những công việc giữa hai kỳ họp.
- Ngoài thực hiện chế độ hội nghị, Chủ tịch, các Phó chủ tịch thường xuyên hội ý, liên hệ với nhau để giải quyết công việc.
- Mọi kết luận, quyết định đều được thảo luận trao đổi công khai, dân chủ với sự đồng thuận của ít nhất 2/3 thành viên có mặt.
Điều 16: Chế độ thông tin, báo cáo.
1. Trang thông tin điện tử (Website: http://homaivietnam.com) và bản tin “ Dòng họ Mai ” là cơ quan ngôn luận của Hội đồng họ Mai Việt Nam; là phương tiện thông tin giữa Hội đồng họ Mai Việt Nam với Hội đồng họ Mai các địa phương và với con cháu họ Mai Trong và Ngoài nước.
- Hội đồng họ Mai Việt Nam thống nhất quản lý và chịu trách nhiệm về nội dung, hình ảnh, tin, bài, bản quyền của trang thông tin điện tử “họ Mai Việt Nam” và bản tin “Dòng họ Mai’’
2. Chế độ thông báo, báo cáo.
- Chậm nhất là ngày 20/11 hàng năm, Hội đồng họ Mai các Tỉnh, Thành phố, Khu vực phải gửi báo cáo kết quả hoạt động trong năm, phương hướng hoạt động năm sau và những kiến nghị, đề xuất (nếu có) về cơ quan Thường trực Hội đồng họ Mai Việt Nam.
- Sau hội nghị thường niên của Hội đồng họ Mai Việt Nam, Ban thường trực Hội đồng họ Mai Việt Nam có trách nhiệm hoàn thiện báo cáo gửi Hội đồng họ Mai các Tỉnh, Thành phố, Khu vực, chậm nhất là 15 ngày sau kết thúc phiên họp.
CHƯƠNG :V
THI ĐUA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 17: Thi đua.
Hội đồng Họ Mai Việt Nam và Hội đồng họ Mai các địa phương vào quý I hàng năm tổ chức phát động phong trào thi đua, mỗi năm nên lựa chọn một vài chuyên đề với những nội dung, tiêu chí rõ ràng để thực hiện, cuối năm sơ kết, rút kinh nghiệm, bình xét khen thưởng.
Điều 18: Đối tượng được khen thưởng.
- Hội đồng họ Mai các cấp và các ngành, chi, họ Mai ở thôn, làng, ấp , bản.
- Cá nhân là người họ Mai.
- Các đơn vị, tổ chức, cá nhân ngoài họ Mai có nhiều đóng góp cho họ Mai.
Điều 19: Các hình thức khen thưởng của Hội đồng họ Mai Việt Nam.
- Danh Hiệu “ Mai Tộc tinh hoa” là hình thức khen thưởng cao quý nhất của họ Mai Việt Nam; tặng cho những tập thể và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc như: Khi đạt giải thưởng, danh hiệu cấp nhà nước, quốc gia, quốc tế, được bầu giữ chức vụ Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương, Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, sĩ quan trong lực lượng vũ trang được phong quân hàm cấp tướng. Những doanh nhân, doanh nghiệp, ngành chi họ, gia đình có đóng góp lớn cho dòng họ và những cụ là con trai, con gái, con dâu họ Mai thọ từ 100 tuổi trở lên.
- Bằng vinh danh của Hội đồng họ Mai Việt Nam tặng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm .
- Kỷ niệm chương: “Vì sự nghiệp xây dựng Mai Tộc” tặng cho các cá nhân có thành tích và thâm niên hoạt động dòng họ từ 10 năm trở lên.
Điều 20: Xử lý vi phạm
Những Người là ủy viên hội đồng mà vắng mặt 3 kì họp liên tiếp không có lí do chính đáng ; những Người không đóng kinh phí 3 năm liên tục theo quy định; những Người cung cấp thông tin sai sự thật; những Người phát ngôn không mang tính chất xây dựng, kích động, hoài nghi, kéo bè, kéo cánh gây mất đoàn kết nội bộ hoặc có việc làm trái với luân thường đạo lý làm ảnh hưởng đến uy tín dòng họ, thì tùy theo mức độ vi phạm Thường trực Hội đồng sẽ có các biện pháp như: nhắc nhở, góp ý.Trường hợp đã nhắc nhở, góp ý nhiều lần mà vẫn tiếp tục vi phạm thì Thường trực Hội đồng sẽ trình với Hội Đồng Họ Mai Việt Nam miễn nhiệm hoặc xóa tên khỏi danh sách Hội đồng Họ Mai Việt Nam, không chờ đến hết nhiệm kì.
CHƯƠNG VI
TÀI CHÍNH CỦA HỘI ĐỒNG HỌ MAI VIỆT NAM
Điều 21: Các khoản thu
- Thu đóng góp từ các ủy viên Hội Đồng Họ Mai Việt Nam mức độ đóng góp thì tùy tâm nhưng tối thiểu là 5 triệu đồng / người/năm.
- Tài trợ của các tổ chức, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
- Thu từ các nguồn hợp pháp khác.
Điều 22: Các khoản chi
- Chi cho các hoạt động thường xuyên, theo các chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt hàng năm .
-Chi thi đua khen thưởng.
- Chi các khoản hợp pháp khác liên quan đến nghĩa vụ và trách nhiệm của Hội đồng họ Mai Việt Nam.
Điều 23: Quản lý tài chính.
Hội đồng họ Mai Việt Nam giao cho phó chủ tịch phụ trách tài chính chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch thu, chi hàng năm báo cáo Hội đồng phê duyệt để thực hiện, cuối năm báo cáo công khai với Hội đồng.
CHƯƠNG VII
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY CHẾ VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 24: Bổ sung, sửa đổi.
- Quá trình thực hiện, nếu có điểm nào chưa, hoặc không phù hợp thì Đai hội ủy quyền cho Hội đồng họ Mai Việt Nam sửa đổi, bổ sung và báo cáo với đại hội đại biểu họ Mai Việt Nam nhiệm kỳ tới.
Điều 25: Điều khoản thi hành.
Mọi ủy viên hội đồng họ Mai Việt Nam phải có trách nhiệm thực hiện quy chế này .
- Hội Đồng Họ Mai các địa phương, tự xây dựng quy chế hoạt động của địa phương mình, song không trái với quy chế này.
- Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội Đồng Họ Mai Việt Nam gồm có 7 chương, 25 điều được đại hội đại biểu họ Mai Việt Nam nhiệm kì 2022-2027 thông qua Ngày 09 tháng 04 năm 2022. Có hiệu lực thi hành kể từ ngày kí ban hành.
|
Thay mặt HĐHMVN Chủ tịch |
Đây là tài liệu Ban Liên lạc Họ Mai Việt Nam sẽ trình bày chính thức tại đại hội, trân trọng đề nghị các Bác trong Ban Liên lạc Họ Mai các cấp, các đại biểu đi dự Đại hội, nghiên cứu kỹ, để đóng góp ý kiến và các văn bản tại Đại hội và tổ chức thực hiện nghiêm túc, góp phần vào thành công của Đại hội.
Đề nghị các Trưởng đoàn chuyển các tài liệu này trên Zalo đến các Đại biểu đi dự Đại hội, đề nghị bà con họ Mai trong và ngoài nước theo dõi, góp ý, cổ vũ, động viên góp phần vào thành công chung của Đại hội Họ Mai Việt Nam.