Từ đường Họ Mai Xuân Kiên, Xuân Trường, Nam Định: Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh
Đúng ngày đầu năm mới, ngày 01 tháng 01 năm 2023 Sở văn hóa Thông tin tỉnh Nam Định đã tiến hành tổ chức lễ trao Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh cho nhà thờ họ Mai xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường. Về dự lễ và thắp hương tri ân tiên tổ. có ông Mai Hữu Tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Mai Việt Nam, ông Mai Trung Tuyến và bà Mai Thị Xuân Ủy viên Hội đồng họ Mai Việt nam.
Trong niềm vui chung của bà con họ Mai của dòng tộc, ông Mai Hữu Tỉnh thay mặt cho Hội đồng họ Mai Việt Nam chuyển lời chúc mừng năm mới, chia sẻ niềm vui chung cùng bà con họ mai Xuân Kiên của Chủ tịch Hội đồng họ Mai Việt Nam - Mai Văn Ninh. Trong bài phát biểu ông Mai Hữu Tỉnh cũng thông báo tóm tăt những hoạt động của họ Mai toàn quốc và kế hoạch hoạt động cho năm 2023.
Sau cùng là lời hiệu triệu mong rằng họ Mai Xuân Kiên cùng họ Mai toàn quốc, tiếp nối và phát huy truyền thống của cha ông, con cháu họ Mai đã có những đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của địa phương trong các phong trào cách mạng và kháng chiến, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới.
Sơ lược về họ Mai Xuân Kiên;
Từ đường họ Mai tọa lạc tại xóm 2 xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, thờ Đức Thủy Tổ Mai Công Hữu Tương và các Tổ Kế Thành, theo tư liệu đang lưu giữ tại từ đường, cùng truyền ngôn của các bậc tiền nhân trong họ Mai thì vào khoảng cuối thế kỷ thứ 15 thủy tổ Mai Hữu Tương, từ tổng Quang Trung huyện Đông Thành phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An (nay là huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An), di cư ra vùng đất Căn Lau thuộc huyện Giao Thủy phủ Thiên Trường. Nhận thấy vùng đất nơi đây có địa thế tốt lại có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển lâu dài, đức thủy tổ Mai Hữu Tương đã quyết định dừng chân tại đây để sinh cơ lập nghiệp.
Căn cứ vào tư liệu lịch sử tại địa phương như lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Kiên, hồ sơ di tích lịch sử đền chùa Kiên Lao, cùng tư liệu Hán Nôm sắc phong, văn bia, gia phả, câu đối, hiện đang lưu giữ tại một số từ đường, cùng truyền ngôn do hậu duệ các dòng họ trên địa bàn 2 xã Xuân Kiên và Xuân Tiến, đặc biệt theo Ngọc Phả đền chùa Kiên Lao thì cách đây trên 600 năm Đức thủy tổ Mai Hữu Tương cùng 12 dòng họ từ các nơi đến mảnh đất cồn lau, thuộc trấn Sơn Nam Hạ khai cơ lập nghiệp.
Với khí phách của người đi khai hoang mở đất, các vị thuỷ tổ của 13 dòng họ đã đoàn kết gắn bó cùng nhau kề vai sát cánh vượt qua khó khăn gian khổ, chống chọi với thiên tai khắc nghiệt, quyết tâm biến vùng đất lau sậy hoang vu thành nơi an cư lạc nghiệp cùng với việc khai hoang mở đất tạo dựng làng xóm. Các Thủy Tổ còn cho xây dựng các công trình phúc lợi, tôn giáo vừa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, vừa để động viên tinh thần vượt khó, tạo quyết tâm dốc sức đồng lòng cùng nhau khai khẩn ổn định cuộc sống nơi vùng quê mới cho nhân dân.
Bên cạnh đó các Thủy Tổ còn xây dựng cầu đường, mở chợ để nhân dân đi lại giao lưu buôn bán tại mảnh đất Kiên Lao. Công lao khai sáng thuộc về 13 vị Thủy Tổ của 13 dòng họ. Trong quá trình hình thành và phát triển từ tên làng căn lau, sau một thời gian đổi thành làng Kiên Lao thuộc phủ Thiên Trường, đến cách mạng Tháng 8 đổi thành xã Xuân Kiên, xã Xuân Tiến thuộc huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định cho đến ngày nay.
Theo phả truyền, Đức Thủy Tổ Mai Quý Công tự Hữu Tương, sinh được 5 người con:
Cụ Mai Quý Công nhất Lang tự Phúc Long, từ đường tọa lạc tại Xóm 10 Xã Xuân Kiên huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định, cũng là nơi thờ Đức Thủy Tổ.
Cụ Mai Quý Công Nhị Lang tự Phúc An, từ đường tọa lạc tại xóm 6 xã Xuân Tiến huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định.
Cụ Mai Quý Công Tam Lang tự Công Lau, từ đường tọa lạc tại xóm 16 xã Xuân Kiên huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định.
Cụ Mai Quý Công Tứ Lang Bắc Cự, theo đạo thiên chúa giáo thuộc giáo xứ Kiên Lao xã Xuân Tiến huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định.
Cụ Mai Quý Công Ngũ Lang tự Phúc Hải, từ đường tọa lạc tại xóm 2 xã Xuân Tiến huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định.
Trải qua năm tháng thăng trầm của lịch sử dân tộc, dòng họ Mai Kiên Lao vẫn trường tồn và phát triển, đến nay đã có 24 đời con cháu nối tiếp nhau với gần 3.000 suất đinh và trên 5.000 nhân khẩu, hiện còn một bộ phận cư dân trong dòng họ đang sinh sống lao động làm việc tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Dương, Hải Phòng cũng như nhiều tỉnh thành khác và ở nước ngoài.
Đặc biệt Cụ Mai Nhữ Khánh thuộc ngành 3 là tướng công triều Mạc (năm 1527 đến năm 1592), vào thế kỷ thứ 16, cụ về đất đồng lịch tổng Xuyên Hử huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương lập gia đình sinh con đổi thành họ Hồ cho đến nay. Hiện nay dòng họ Hồ rất nhiều người thành đạt và phát đạt.
Đức Thủy Tổ cùng các cao thượng tổ, chỉ dẫn con cháu lương cũng như giáo đoàn kết đồng lòng, cùng mọi người trong làng, chung lưng đấu cật bền gan quyết chí tạo lập gia đình, làng xóm, quê hương ngày càng sung túc giàu đẹp, tươi vui. Hiện nay tại đền Kiên Lao “Cố Trạch Vô Tư” quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia có ngai và bài vị thờ 13 vị Thủy Tổ làng Kiên Lao, trong đó có thủy tổ Mai Quý Công Hữu Tương “Thuỵ Hùng Uy Quang Khải Chi Thần”.
Theo văn bia “Mai Tộc Từ Đường Bi Ký”, thì từ đường họ Mai được khởi dựng vào năm Duy Tân 2, có bố cục hình chữ nhất mặt quay hướng Đông, gồm một gian tường đắp đất, mái lợp bổi - là nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Thời gian sau con cháu trong dòng họ đã đóng góp công sức, tiền của mở rộng thành một tòa ba gian bằng chất liệu gỗ và mái lợp ngói Nam- nguyên liệu cổ truyền sẵn có.
Trải qua thời gian, với sự tác động của thiên nhiên khí hậu, công trình từ đường bị xuống cấp. Với tấm lòng trân trọng và tri ân công đức tổ tiên, phù hợp với xu thế thời đại, các thế hệ con cháu trong dòng họ đã đầu tư công sức và tiền của để trùng tu tôn tạo lại ngôi từ đường khang trang rộng rãi như hiện nay vào năm 2005, với chất liệu gạch, đá, vôi vữa, xi măng sắt thép, vừa giữ nét truyền thống cổ kính vừa hiện đại bền vững trường tồn, phù hợp với xu hướng thời đại văn minh. Công trình kiến trúc từ đường có bố cục mặt bằng kiểu chữ đinh, gồm tiền đường ba gian và hậu đường một gian, mặt quay hướng Nam, trong từ đường thờ Đức Thủy Tổ, ngũ vị cao thượng tổ cùng các vị tổ Kế Thành. Trong từ đường hiện còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật, bảo vật quý giá như: văn bia đá, Phả Tộc, ngai, khám cổ, sắc phong của các triều đại trước, bát hương, đồ thờ cổ ….
Bia đá được soạn khắc vào năm Duy Tân 4 năm 1910. Cuốn “Gia phả họ Mai” được lập vào năm Minh Mạng thứ 10 - năm 1829 với chất liệu giấy gió, ghi chép tỉ mỉ cụ thể về tên tuổi ngày kỵ, công trạng với các triều đại cũng như với quê hương và dòng họ của Đức Thủy Tổ cùng các tổ Kế Thành của dòng họ Mai Kiên Lao…
Khám thờ Long ngai, bài vị thần chủ, đồ thờ làm bằng chất liệu gỗ quý được chạm khắc tinh sảo, sơn son thiếp vàng mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, thế kỷ thứ XIX, có một số từ các thế kỷ trước đó.
Bát hương, đồ thờ bằng sứ của Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc có niên đại từ thế kỷ 18, 19.
Các bức hoành phi câu đối, đại tự bằng gỗ, được đục chạm với những hoa văn họa tiết hài hòa, tinh tế. Nội dung bao hàm giáo dục sâu sắc về truyền thống dân tộc, truyền thống quê hương và dòng họ hiện đang công tác học tập lao động sinh sống ở nước ngoài cũng thành đạt và thành công trong cuộc sống.
Mai Anh Đào