Chi họ Mai Thế ở Hậu Thành, Thạch Giản, Nga Sơn Thanh Hóa
Nguồn tư liệu: Mai Vân, số nhà 13 Ngõ Giáp Bát, điện thoại:04.38641078
Sách "Mai gia thế phả nguyên tự" do Khuê quận công Mai Thế Khang soạn thảo vào đầu thời Cảnh Trị (1663-1671) đời vua Lê Huyền Tông đã viết:
"Đất họ Mai ta ở ấp này(xứ nội Thanh Hoa, phủ Hà Trung, huyện Nga Sơn, xã Thạch Giản, thôn Thạch Tuyền). Chẳng rõ từ đâu ra, chỉ biết thế truyền từ đời Hùng Vương, Mai An Tiêm ở bãi biển trồng được dưa hấu, về sau sinh sản ngày càng đông đúc mà thành đô ấp. Do vậy đất này trồng được nhiều dưa hấu, người trong ấp phần lớn là họ Mai, nghe ra cũng có lý, nhưng nguồn cội đa xa xăm, thế hệ cũng chẳng phục dựng lại được nữa. Nhân vào đầu thời Cảnh trị(1663-1671), Chiêu nghi Mai Thị Ngọc Tiến phụng chỉ dựng thế hệ đồ dâng vua ngự lãm, ngài quyết đoán đem cho Toàn triều hầu(sau này là Toàn Quận công) Mai Thế Châu làm thủy tổ. Nay cứ y thế mà chép phả. Cũng một ý tưởng tương tự rằng Toàn Quận công làm thủy tổ là cái mốc thời gian để dựa mà kê cứu dòng tộc và ý nghĩa của nó là là do chính tay Hoàng đế Hậu Lê và chúa Trịnh ban tặng cho họ Mai. Thực tế thời Toàn Quận công về trước, họ Mai chắc còn nhiều chuyện hiển hách lắm".
Thủy tổ Toàn Quận Công Mai Thế Châu có công sửa sang chính trị, mở mang văn hóa giáo dục, làm quan yên dân ở nhiều nơi, được dân yêu mến và ca ngợi công đức. Ông lãnh chức Thái Bảo, tước Toàn triều hầu, Đốc trấn Nghệ An. Trong khi hộ giá vua Lê Thần Tông đánh giặc tại Tuyên Quang, ông hy sinh trong trận thủy chiến tại Bộc Giang ngày 10 tháng 11 Vĩnh Tộ (1619-1629) và được gia phong tước, thụy Đức Chính. Tổ bà là Trần Thị Cương, người thôn Hao Điền, xã Địch Cần, huyện Hậu Lộc, sinh ra Mậu Quận công.
Từ Thủy tổ Mai Thế Châu tới nay, họ Mai Thạch Giản đã phát triển được 18 đời, chia thành 2 ngành I và II, gồm 13 chi họ sau đây.
Ngành I có tổ là Mai Thế Khang, gồm các chi:
1/ Chi 1: tiên tổ Mai Thế Lộ ở Hậu Trạch, Thanh Hóa
2/ Chi 2: tiên tổ Mai Thế Cẩm ở Lỗ Khê, Hà Nội
3/ Chi 3: tiên tổ Mai Thế Mưu ở Trung Tự, Hà Nội
4/ Chi 4: tiên tổ Mai Thế Hợp ở Hậu Trạch, Thanh Hóa
5/ Chi5: tiên tổ Mai Thế Trạm ở Hà Nội
6/ Chi 6: tiên tổ Mai Thế Phan ở Hậu Trạch
7/ Chi 7: tiên tổ Mai Thế không rõ tên ở Thái Nguyên
8/ Chi 8: tiên tổ Mai Thế Trác vũ bá ở Trung Nại, Thanh Hóa
9/ Chi 9: tiên tổ Mai Thế Anh ở Hà Nội
10/ Chi 10: tiên tổ Mai Thế tự Phúc Minh ở Nam Định và Thanh Hóa
11/ Chi 11: tiên tổ Mai Thế Tế ở Nga Nhân
12/ Chi 12: tiên tổ Mai Thế Hằng ở Lạc Quần, Xuân Thủy, Nam Định
13/ Chi 13: tiên tổ Mai Thế Ất ở Vũ Phúc, Vũ Thư, Thái Bình
14/ Chi 14: tiên tổ Mai Thế Thành ở Cẩm Giàng, Hải Dương.
Nhà thờ Mai Thế ở Nga Thạch bị hư hỏng chưa xây lại được, hiện tại giỗ tổ được tổ chức tại nhà thờ chi trưởng, ngày giỗ tổ là 9/12.
Từ đời 1 - 8, các tổ họ Mai ở Thạch Giản đã có công giúp các vua Lê trong 3 thế kỷ XVI đến XVIII và đã được phong 5 tước quận công, 5 tước hầu.
Tổ đời 2 - Thái Bảo Mậu Quận công Mai Thế Huân là con thủy tổ Mai Thế Châu vợ là bà Trần Thị Cương, phục vụ triều vua Lê Thần Tông - chúa Trịnh Tráng (1619-1643), mất ngày 13/9, táng tại thôn Yên Lộc, huyện Nga Sơn. Ông lấy vợ là con gái Mỹ Quận công họ Mai ở thôn Lộc, xã An Đốn, huyện Nga Sơn, tên là Mai Thị Dụy, sinh 1 gái, 3 trai. Con trai trưởng là Mậu Quận công Uy cường hầu (mất sớm không con nối dõi)
Tổ đời 3-Khuê Quận công Mai Thế Thông, con trai thứ của cụ Mai Thế Huân và bà Mai Thị Dụy, là người thay anh cả Uy Cường hầu trông coi từ đường. Ông phục vụ triều vua Lê Huyền Tông (1663-1671), thường cùng chúa Trịnh đánh giặc có công và được phong tước Quận công. Ông mất tại quê, giỗ 9/12. Con cháu ông di cư nhiều nơi: Hà Nội; Thái nguyên.
Chị cả ông Mai Thế Thông, bà Mai Thị Ngọc Tiến vào hầu trong phủ chúa Trịnh Tạc (1657-1682) được sủng ái cho đứng đầu hậu cung, được phong là Chiêu Nghi, là Bảo mẫu của Khang vương Trịnh Căn. Vì có công giúp nước cứu dân nên được thờ ở làng và được sắc phong "Trung lương Trang huy thượng đẳng thần", ngày giỗ của bà là 17/12.
Em trai ông Mai Thế Thông là Hoằng Quận công Mai Thế Khang, một tướng giỏi, phò Lê diệt Mạc. Các con cháu ông là võ quan như Thạch Quận Công Mai Thế Hán, Đôn Tín hầu Mai Thế Quán, Quế Thọ hầu Mai Thế Hạo...Chi họ này di cư về các địa phương như Thọ Xương, Triều Khúc (Hà Nội), Tĩnh Gia, Hậu Lộc (Thanh Hóa), Xuân Thủy (Nam Định).
Tổ đời 4 - Diễn Quận công Mai Thế Xưng là con trai thứ 2 của ông Mai Thế Thông và bà Trần Thị Từ Huy, sinh năm 1643, phục vụ triều vua Lê Hy Tông (1675-1705), làm Tham đốc Thần vũ Tứ vệ quận vụ sự, tước Diễn Quận công. Ông mất ngày 19/6 Mậu Tý(1708), táng tại Mai thôn, xã Bảo Ngũ, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Tổ đời 5 - Mai Thế Lâm, là con trai đầu của ông Mai Thế Xưng, là tổ của chi trưởng. Ông phục vụ triều vua Lê Ý Tông (1740-1767), giữ chức Vũ huân Tướng quân Tham đốc Thần vũ Tứ vệ quân vụ sự, tước Quán Phương Hầu. Đời sau thiên cư tới xã Lỗ Khê, huyện Đông Ngạn (Đông Anh, Hà Nội). Một số bà con chi trưởng trở về Thạch Giản, một số đến thôn Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội), một số về xã Ninh Sơn, huyện Chương Đức (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ông mất ngày 26/8, táng tại Lỗ Khê.
Tổ đời 5 - Cổn Trạch Bá Mai Thế Trung, là con trai thứ 2 của ông Mai Thế Xưng và bà Trịnh Thị Diệu Huyền, Triều liệt Đại phu Đông các Đại học sĩ, là tổ của chi thứ.
Tổ đời 6 - Hương Lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn, là con trai đầu của ông Mai Thế Trung và bà Hoàng Thị Đệ, sinh năm 1703, đỗ Tiến sĩ năm 1731, phục vụ triều vua Lê Ý Tông (1735-1761), giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, Đốc trấn 5 tỉnh phía Bắc, phục dựng Đoàn thành Lạng Sơn trong tuyến Phòng thủ quốc gia. Tên ông được ghi trong Văn miếu Quốc Tử Giám và ở Đoàn thành Lạng Sơn, khi mất được phong Đô đốc Thiêm sự Lại Bộ thượng thư. Ông mất ngày 17/7/Tân Tỵ (1761), táng tại Hà Nội. Ông là Tiến sĩ khai khoa của họ Mai, là quan văn nhưng lại xông pha trận mạc, bách chiến bách thắng, được chúa Trịnh tặng bức đại tự: "Trúc bạch công danh".
Tổ đời 7- Mai Thế Uông(1733-1789), con trai đầu của ông Mai Thế Chuẩn và bà Đặng Thị Tình, sinh năm 1733, đậu Tiến sĩ năm Giáp Thân (1764), lãnh chức phó Đô Ngự sử Đồng Bình Chương sự, Đốc trấn 3 tỉnh Tuyên Quang, Hưng Hóa và Thanh Hóa, chỉ huy 5 đạo quân Tiền Uy, Tiền Tiệp, Tiền Hùng, Trung bố và Hậu Hùng, Tham mưu quân vụ các đạo binh Thuận Hóa, Hải Nam và Tụ Long, lập nhiều chiến công và được phong Lữ Xuyên Hầu.
Tổ đời 8 - Mai Thế Trinh, là là con trai thứ 3 của ông Mai Thế Uông và bà Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1763, Hàn lâm viện Thị giảng, tri huyện Thanh Trì, Tú Kỳ. Ông mất ngày 10/8 năm Bính Tý (1816), táng tại Hậu Trạch.
Tổ đời 9- Mai Thế Trạm, là con thứ 6 của ông Mai Thế Trinh và bà Dương Thị Lan, sinh năm 1810, đỗ Tú tài năm 1848 tại quê ngoại là làng Thịnh Hào, huyện Thọ Xương (nay là phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa), ông là người viết Gia phả tất cả các chi trong họ.
Em ông Mai Thế Trạm là Thám Hoa Mai Anh Tuấn(1815-1851), khai khoa Tam khôi triều Nguyễn, đỗ Thám Hoa năm Quý Mão 1843, giữ chức Hành tẩu ở Bí thư sở tòa Nội các và Thị độc ở Hàn lâm viện triều Tự Đức; sau do dâng sớ can gián vua nên bị chuyển ra làm Án Sát tỉnh Lạng Sơn, hy sinh ngày 6/8 tại trận Thất Khê chống lại quân Thanh năm 1851. Theo lệnh vua, thi hài ông được đưa về táng tại làng Cầu Khánh, phường Thịnh Hào, giáp Đông Các (nay là Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa). Ông mất đi để lại niềm thương cảm của nhân dân và bạn bè...
Con cháu họ Mai ở Thạch Giản rất hiếu học tuy gia đình nghèo, họ học để biết đạo làm người, đỗ đạt thì ra làm quan nhưng vẫn rất thanh liêm được dân yêu bạn nể. Ông Mai Chữ (1873-1945) là thầy giáo làng dạy nhiều học trò thi đỗ cử nhân, có người đỗ phó bảng như ông Mai Duyên trong kỳ thi cuối cùng năm 1919 tại Huế.
Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều người con của họ Mai đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Trong hòa bình họ Mai có nhiều kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ... tham gia phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Tiêu biểu có Mai Lập Đôn và Mai Thị Vũ Trang.
MAI LẬP ĐÔN (1898- 1946):
Mai Lập Đôn thuộc đời 11, hậu duệ của Đôn tín hầu Mai Thế Quán, sinh ngày 26/11/1898 tại Thạch Giản, thường trú tại Hà Nội. Ông tham gia tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội năm 1926, sau đó làm Ủy viên ban Chấp hành Kỳ hội Bắc Kỳ. Căn nhà số 8 Ô Chợ Dừa, nơi ở của gia đình ông là địa điểm hội họp, chuyển giao tài liệu mật của tổ chức Tổng hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, nơi tập kết cán bộ Cách mạng đi huấn luyện tại Quảng Châu. Năm 1927, Tổng hội Thanh niên Cách mạng đồng chí hội chuyển thành Đảng Cộng sản ông được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh đảng bộ Hà Nội. Ông hoạt động tại Nam Định và bị bắt ngày 7/11/1929. Ông đã trải qua các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La và bị Hội đồng Đề hình Pháp kết tội chung thân đầy ra Côn Đảo.
Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, ông ra tù cùng với một số tù chính trị khác, song bị quản thúc tại Hà Nội, sức khỏe giảm sút do chế độ hà khắc của nhà tù. Ngày 9/2/1946 ông mất tại làng Thịnh Hào, an táng tại xã Thịnh Liệt huyện Thanh trì.
Do các cống hiến của ông cho cách mạng Việt nam, Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Độc lập hạng nhất. Ngày 22/9/1989 mộ ông được chuyển vào nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch.
MAI THỊ VŨ TRANG (1908-1994):
Tên thật là Mai Thị Ngọc Thuyết, em gái ông Mai Lập Đôn, tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội năm 1928, Đông Dương Cộng sản đảng năm 1929 và lấy bí danh là Vũ Trang. Bà mở hàng bán diêm thuốc che mắt địch và làm liên lạc, phân phát tài liệu, bảo vệ họp kín, rải truyền đơn, vận động quần chúng. Có lần bà cải trang tiểu thư đi du lịch lên tàu ngồi ghế hạng sang cạnh quan tây, ta; chúng còn xách hộ valy mà không biết là bên trong có vũ khí. Bà từng hoạt động tại nhà máy dệt Nam Định vận động công nhân đấu tranh tăng lương và giảm giờ làm. Sau đó lại về Hà Nội, lên Bắc Giang, Bắc Ninh. Tháng 4/1941 bị giặc bắt và giam tại Hỏa lò, bị tra tấn nhiều ngày nhưng không khai, cuối cùng địch phải thả ra nhưng quản thúc vô thời hạn. Tháng 4/1945 hoạt động chuẩn bị cho giành chính quyền, Cách mạng tháng 8 thành công bà được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cộng sản, Bí thư Phụ nữ tỉnh, phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ Liên khu 1. Năm 1960 bà về công tác tại Tòa án nhân dân Tối cao, tháng 3/1963 nghỉ hưu, 28/3/1994 mất tại Hà Nội. Bà được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng 2.