Tìm hiểu dòng họ Mai Việt Nam (Phần 1)
Hiểu biết về nguồn gốc và sự phát triển của dòng họ Mai Việt Nam là nguyện vọng của nhiều lớp con cháu họ Mai chúng ta. Tôi xin phép mở mục "Tìm hiểu dòng họ Mai Việt Nam” . Kính mời các bác, các chú, các cô và anh chị em cùng tham gia tìm hiểu, trao đổi và chia sẻ thông tin để mỗi người chúng ta càng hiểu nhiều hơn về nguồn gốc và sự phát triển của dòng họ Mai.
I. Chặng đường về với cội nguồn
Trong quá trình (1995 – 2008) biên soạn Gia phả Chi họ Mai Quốc Thể và Tộc phả họ Mai xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, tư duy về họ tộc trong tôi hình thành rồi phát triển dần lên, sự hiểu biết về dòng tộc cũng tích lũy thêm. Do thành công nối tiếp thành công, năm 2009 tôi đam mê sưu tầm, tìm hiểu. Trước hết là để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của bản thân, sau nữa là để truyền cho con cháu của mình cùng hiểu biết và rộng hơn nữa là cùng chia sẻ với anh em con cháu họ Mai để mọi người cùng hiểu về họ tộc của mình. Mục tiêu đặt ra là hiểu xa hơn, hiểu sâu hơn và biết được nhiều anh em con cháu.
II. Nguồn gốc họ Mai
Có 2 câu chuyện, tôi cho rằng đó là chuyện liên quan đến nguồn gốc họ Mai:
1/ Mai An Tiêm
Người cung cấp tư liệu: Hoàng Tình ĐT: 0378 850317
Theo gia phả của họ Mai làng Hậu Trạch còn lưu giữ thì: thời vua Hùng Vương thứ 6, Mai Yển – hiệu An Tiêm nguyên ư Thượng thư Lại Bộ Xuân Thu, do có nhiều công trạng nên được nhà vua rất yêu mến và gả con gái cho. Cứ mỗi lần có lễ trọng, vua đều ban quà cho phò mã; thay vì cảm ơn vua cha thì Mai Yển lại nói: “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Vua buồn bực lắm, bọn nịnh thần được dịp bêu xấu Mai Yển; vua ra lệnh bắt Mai Yển cùng vợ con đày ra đảo hoang.
Nhờ có loài quạ tha quả về ăn, Mai Yển đã tìm cách đuổi quạ đi và ăn thử thấy ngon, ngọt lạ thường bèn đem hạt gieo, mùa đầu đã cho nhiều quả và thứ quả đó đã nuôi sống gia đình Mai Yển, sau này người ta gọi đó là quả dưa hấu. Vụ này tiếp nối vụ kia, dưa hấu ngày càng nhiều, gia đình Mai Yển dùng không hết. Mai Yển liền nghĩ cách, khắc chữ vào vỏ quả, bỏ xuống biển, thủy triều đã đẩy những quả dưa vào bờ, quan quân thấy vậy liền tâu lên nhà vua, mọi người cùng ăn và vui mừng khen ngon. Vua biết Mai Yển và vợ con không chết mà còn nhớ đến nhà vua, tìm cách dâng quả ngon; vua liền ra lệnh đưa Mai Yển về đất liền để phong lại chức tước.
Vào năm Duy Tân thứ nhất, vua sắc cho thôn Ngoại, huyện Nga sơn thờ phụng Mai Yển hiệu An Tiêm Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Đến năm Khải Định tứ 9, vua gia phong Đoan túc tôn thần, sắc cho thôn Ngoại tiếp tục thờ phụng. Đặc biệt chuẩn phong cho phép phụng thờ, dùng theo lễ quốc khánh.
Đền thờ Mai An Tiêm thuộc xã Nga Phú, huyện Nga Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1989. Hàng năm, nhân dân xã Nga Phú tổ chức lễ hội từ ngày 12 đến 15 tháng 3 âm lịch. Sau đây xin trích văn tế:
Nước có nguồn, cây có gốc.
Uống nước trong nhớ nguồn chảy từ đâu?
Ăn quả ngọt biết công ai khó nhọc?
Đó chính là truyền thống nhân văn.
Đó cũng chính là tự hào dân tộc.
Nhớ Ngài xưa.
Dòng giõi các vua Hùng.
Tư chất thông minh ngay từ thưở nhỏ.
Tin sức mình nuôi chí tự cường.
Chống quan tham, ghét quân bợ đợ.
Câu nói xưa còn vang:
“Của biếu là của lo”
Lời tâu nay còn nhớ:
“Của cho là của nợ”.
Phật ý vua cha.
Lệnh đày biệt xứ !
Đây đảo hoang nước biển mênh mông.
Kìa rừng rậm hãi hùng tiếng hổ.
Tất cả trông vào: ba tháng lương ăn,
Một thanh gươm cùn, một hòn đá lửa.
Tin đôi tay ắt sẽ vượt qua.
Sẵn ý chí đâu nào có sợ.
Lượm trái cây lót dạ qua ngày,
bẫy thú rừng lần hồi qua bữa.
Bỗng một hôm, thấy lũ chim trời,
đang tranh ăn một loài quả lạ,
vỏ xanh thẫm,
ruột đỏ tươi.
Đuổi chim đi, lấy hạt gieo trồng.
Kỳ trái chín ăn vào mát rượi.
Ngày ngày sức lực tăng cường.
Tháng, năm khó khăn đã vợi.
Khắc tên vào quả,
Thả xuống biển khơi.
Tấp nập thuyền buôn ghé vào mua, đổi.
Quả ngon, trái ngọt,
Dâng tiến vua Hùng.
Thấu hiểu ngọn ngành vua cha liền vội,
cho thuyền vượt cửa Thần Phù.
Nhắm hướng đảo hoang thẳng tới.
Đón An Tiêm về đất Phong Châu.
Quân xiểm nịnh thảy đều chịu tội.
Vua truyền: Dưa đỏ trồng khắp nơi nơi.
Nức tiếng ngọt, ngon ngàn đời ca ngợi …
Từ lâu, một số ý kiến cho rằng: Chuyện quả dưa hấu mà trong đó Mai An Tiêm là nhân vật chính, là chuyện truyền thuyết Thông qua các tư liệu hiện có thì chỉ khẳng định được về mặt nhân vật, còn về huyết thống thì chưa khẳng định được đó là tổ tiên họ Mai. Tuy nhiên, nếu so sánh rộng ra, như chuyện mười tám đời vua Hùng dựng nước qua hơn hai nghìn năm lịch sử chẳng hạn; tính ra bình quân mỗi vị vua Hùng thịnh trị 155 năm (từ năm 3054 TCN đến năm 258 TCN). Đó cũng là câu chuyện truyền thuyết, vậy mà Nhà nước Việt Nam qua các triều đại, đặc biệt là từ khi Lê Thánh Tông cho làm Ngọc phả đến nay thì vua Hùng là vị Tổ của nước nhà và lấy ngày Mồng Mười Tháng Ba là ngày Dổ Tổ.
Vậy, việc coi Mai An Tiêm là tổ tiên họ Mai cũng là điều phù hợp.
2/ Bà Tổ họ Mai – Lê Thị Hoa
Người cung cấp tư liệu: Nguyễn Văn Hải ĐT 0982 753267
Mai Đức Tịch ĐT 0373 779381
Có một dòng họ Mai ở Nga Sơn ngày nay còn lưu giữ được một hệ thống thư tịch Hán Nôm khá phong phú bao gồm “Bia ký, sắc phong, thần tích, gia phả” ghi chép về lai lịch tiểu sử của dòng tộc, đó là dòng họ Mai ở xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thông qua hệ thống thư tịch này, chúng ta hiểu được rằng:
1- Về lịch sử dòng họ Mai ở đây, có thể khẳng định họ Mai ở Nga Thiện có trước
giai đoạn Hai Bà Trưng (theo tài liệu bia ký ghi tại đền thờ họ Mai thì bà Trưng là cháu gái vua Hùng). Đây cũng là họ Mai phát tích sớm nhất (đã phát hiện cho đến nay).
2- Dòng họ Mai bắt đầu từ ông Mai Thông (cha đẻ ông Mai Tiến) là bạn của ông Lê Thái (cha đẻ bà Lê Thị Hoa), sau này ông Lê Thái gã con gái mình cho con trai của bạn là ông Mai Tiến và ông Mai Tiến trở thành khởi tổ dòng tộc họ Mai.
3- Dòng tộc họ Mai khởi nguồn từ xã Phú Cốc, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam (nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) bắt đầu thấy ghi chép từ ông Mai Thông. Sau này con ông là Mai Tiến lấy bà Lê Thị Hoa (con gái ông Lê Thái) người cùng huyện thôn Thượng Linh, xã Cảo Linh (na y là xã Đại Thắng , huyện Vụ Bản) sinh được 4 người con trai là Mai Đạt, Mai Thỏa, Mai An, Mai Trí.
4- Khi ông Mai Tiến bị Thái thú Tô Định dụ ra làm tri huyện Gia Lâm, Mai Tiến đã bị buộc phải đưa vợ con cùng về huyện lỵ sinh sống. Khi Tô Định âm mưu giết Mai Tiến thì mẹ con bà Lê Thị Hoa đã bỏ về quê hương ẩn cư, sau đó chiêu tập nghĩa binh đánh lại Tô Định. Việc đại bại, mẹ con bà Hoa đã chạy vào trang An Nội huyện Nga Sơn (nay là xã Nga Thiện) ẩn cư và tạo thành một khu Thượng Trang tại nơi này.
5- Khi Hai Bà Trưng phất cờ dậy nghĩa, mẹ con bà đã theo nghĩa quân Hai Bà Trưng, bà Lê Thị Hoa trở thành nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng. Bốn người con trai cũng được nhập vào đội Tả Hữu tiền phong của nghĩa quân Hai Bà Trưng.
6- Sau khi Hai Bà trưng đánh bại Tô Định, ban chức tước cho những người có công, mẹ con bà không nhận mà chỉ xin ban phong cho đất trang An Nội huyện Nga Sơn. Trưng vương đã đồng ý ban cho mẹ con bà thực ấp ở huyện Nga Sơn và cho trở về khu Thượng Trang An Nội lập ấp.
7- Việc bốn con trai bà trở về trang An Nội huyện Nga Sơn lập ấp, sau đó chiêu mộ tộc họ Mai ở Phú Cốc, họ Lê ở Thượng Linh thuộc đạo Sơn Nam và một số gia tộc về tụ cư tạo thành một trang đông đúc ở An Nội. Dân làng tôn xưng họ Mai là trưởng trong làng.
8- Việc bà Từ Thiện phu nhân và bốn con trai bà về trang An Nội tụ cư khai căn lập ấp là hoàn toàn có cơ sở. Từ xưa triều đình phong kiến đã thừa nhận việc này, nhà vua còn ban sắc phong giao cho Mai Trưởng Giáp và nhân dân thôn Ngũ Kiên, An Nội (Nga Sơn) theo như lệ xưa thờ cúng bà Từ Thiện Phu Nhân Lê Thị Hoa và bốn người con trai bà. Những tư liệu này nay vẫn còn và hiện đang được lưu giữ tại từ đường dòng họ.
*/ Dịch Văn Bia. Mai tộc thuỷ tổ phả lục bi
(Bia ghi chép gia phả về thuỷ tổ dòng tộc họ Mai)
Thuỷ tổ tộc họ Mai, bà thuỷ tổ họ Lê, ngọc phả ghi chép thuộc khôn chi bộ thứ 10 trung hạ đẳng. Quốc triều bộ Lễ bản chính
Xưa kia nước Việt ta gây dựng cơ đồ nước Nam cương giới phân thuộc Ngưu ĐẩuTừ triều vua Hùng mở vận, thánh tổ gây dựng cơ đồ tương truyền tất cả được 18 đời, hơn 2000 năm thịnh trị, và ấy là tổ tiên của nước Việt ta vậy. Đợi đến con cháu dư duệ nhà Hùng, đời An Dương Vương nhà Thục thời đại hưng thịnh được 50 năm thì Triệu Đà đến đánh phá nên nhà Thục bị mất. Triệu Đà cướp được đất nước, năm đời làm vương. Từ đấy
nước Việt ta thuộc vào ách đô hộ của nhà Tây Hán. Đến thời Đông Hán đời vua Quang Vũ lấy Tô Định làm Thái Thú nước Việt ta. Định là người tàn ác hại người, Lúc đó nước Việt ta phàm các bậc anh tài võ nghệ thì được thu nhận ban cho tước lộc, sau đó âm mưu giết đi, lại còn cướp bóc đốt phá giết hại sinh dân nước Việt khiến sinh dân điêu đứng.
Thời trước ấy có người cháu gái của Vua Hùng tên là Trưng Tướng quân danh xưng là Trắc cùng người em gái là Trưng Nhị, hai người muốn cất binh đến đánh. Nhưng lúc bấy giờ thao lược còn chưa tìm được người tài giỏi, hai bà bèn tích trữ binh lương, nuôi thêm gia súc, thần phong chưa tìm được người trợ giúp. Dù vậy có vua thì ắt có thần cùng dẹp loạn, rồng mây hội tụ chẳng lẽ phải đợi ngày hội rồng bay.
Trước đó ở thôn Thượng Linh, xã Cảo Linh, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam có một gia đình họ Lê tên là Thái, vợ là Dương Thị Tạo, gia thế theo nghiệp y thuật, sinh được 2 người con gái 3 trai. Khi bà mang thai con gái đầu lòng, trước hôm đẻ bà mộng bắt được một con bạch hoa đà (tức con rắn trắng hoa), sắc lấp lánh năm màu rồi sinh ra nàng vào ngày 15 tháng 11 năm Mậu Ngọ. Lúc mới sinh thần sắc hồng hoa, da trắng như trứng gà bóc, miệng cười tươi như hoa, do vậy nhân lúc sinh mới đặt tên là Hoa.
Nàng năm lên 18 tuổi, có một người cùng huyện quê xã Phú Cốc họ Mai, tên huý là Thông là bạn bè của Lê Thái Công. Ông Mai Thông có một người con trai tên là Mai Tiến, năm 19 tuổi cung ngựa giỏi giang, chữ nghĩa tinh thông, Ông Lê Thái rất mực yêu quí tài danh của Mai Tiến bèn gả nàng Hoa cho ông. Lễ đã được định, cầm sắt vận hợp uyên thông, đẹp đôi loan phượng.
Hai vợ chồng lấy nhau mới được 2 năm thì hai ông bà của cả hai bên gia đình đều mất, nàng Hoa một lòng hiếu thuận phụng thờ cha mẹ để thuận theo ý chồng, trong tộc ngoài làng không ai chê bai một lời.
Tô Định nghe tin Mai Tiến là người có tài, bèn triệu ông bộ hành đến bái yết, ban cho chức Huyện Doãn huyện Gia Lâm ông không nhận. Tô Định nhiều lần cất công gọi mời ông phải đưa vợ cùng con đến huyện sở nhận chức. Ông khi nhận chức ở Gia Lâm, Mai Tiến một lòng thi hành ân đức, giúp đỡ nhân dân nên được nhân dân yêu mến.
Thời gian được 3 năm Tô Định nghe tin vợ ông Mai Tiến là bà họ Lê có tư chất sắc đẹp tuyệt trần nên muốn ép làm vợ bèn xui người tố cáo Mai Tiến làm phản, rồi bắt Mai Tiến giết đi rồi bắt nàng ép làm vợ.
Thời bấy giờ bà Hoa lấy ông Mai Tiến đã được 11 năm, sinh được 4 người con trai. Trưởng nam tên là Mai Đạt khi ấy 9 tuổi, Trai thứ 2 là Mai Thoả 7 tuổi, trai thứ 3 là Mai An 5 tuổi, trai thứ 4 mà Mai Trí 2 tuổi. Bốn người tướng mạo khôi ngô tuấn tú, cha mẹ rất mực yêu quí. Đến lúc cha là Mai Tiến bị hại bà Lê Hoa ban đêm dẫn 4 người con trai chạy trốn về quê hương.
Thời gian được một hai năm Tô Định tìm đòi về khẩn cấp, Bà Lê Hoa than rằng: Thà làm ma trinh phụ còn hơn làm người phụ bạc” bèn bán hết gia sản chiêu mộ người dân ở quê nội, ngoại Thượng Linh, Phú Cốc và các làng lân cận được hơn 2000 người đứng lên quyết chống lại Tô Định. Khi Lê Hoa bị thua trận bèn chạy vào đất huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung thuộc ái Châu lánh nạn. Lúc đầu gặp một trận mưa lớn, mẹ con bèn trú mưa bên một quán cỏ cạnh đường, năm người nằm nghỉ rồi ngủ thiếp đi, bà Hoa nằm mộng thấy một vị thần tướng đứng trước mặt mẹ con mà nói rằng: “ Nay muốn yên thì nhập cư ở Yên Nội, về sau ắt báo được thù và con được nổi rõ công danh" Tỉnh dậy lại chổ con trai trưởng, lúc này con trai đã 12 tuổi học hành chữ nghĩa cùng mẹ luận giải về giấc mộng này răng: “ An Nội ắt là danh ấp ở đây”. Đợi trời tạnh mưa, mẹ con bà đi hỏi thăm, quả là trong huyện Nga Sơn có trang Yên Nội . Mẹ con đến đấy thấy đầu trang Yên Nội có khảng 100 mẫu đất, cây cối thật là sầm uất, ở giửa có một khu ruộng khoảng hơn 1 sào, địa thế bằng phẳng, cỏ cây thưa thớt. Mẹ con bà bèn bạt cỏ dựng nhà, thuê người khai khẩn, hơn một năm được hơn chục mẫu. Bà mời gia tộc họ Mai ở Phú Cốc, họ Lê ở Thượng Linh vào nhập cư được hơn 10 gia đình. Làng xóm lân ấp cũng đến ở nhiều, thời gian ba năm, số người đến ở hơn 10 nhà. Bà Hoa lấy điều hiếu thuận đối đãi với mọi người nên rất được mọi người mến kính. Trong lòng bà luôn ôm mối hận Tô Định tàn nhẫn đã giết chồng bà, bà chỉ trời vạch đất thề nuôi dạy bốn người con khôn lớn trả thù cho chồng, cho cha.
Đến khi người con trai cả đã 23 tuổi, con thứ 2 đã 22 (văn bia ghi lộn ngược tuổi anh ra tuổi em), con thứ 3 đã 18, con út đã 15 tuổi. Cả bốn người con đều thông minh xuất chúng, sức lực muôn người. Bà Hoa rất mực yêu mến, vui mừng.
Tới một ngày, bỗng bà bị lâm bệnh, sốt rét liên miên, thuốc thang hơn 10 ngày mà bệnh không khỏi. Bà sai các con lập đàn tế ở giửa trời, bà cố gắng gượng dậy tắm gội sạch sẽ, phục bái dưới đàn tế bái trời đất, chúc rằng: “ Thiếp bất hạnh, chồng nhà bị hại oan, muốn được nhìn thấy các con thiếp khôn lớn trưởng thành để báo mối thù với Tô Định, vạn lời cầu nguyện trời đất chứng giám phù độ cho tỳ thiếp sống thêm tháng ngày để được nhìn thấy bốn con trai thiếp trả được mối thù cho cha. Được như vậy thì sau này thiếp xin chết ở trước đàn”.
Cầu chúc xong bà bái phục xuống đất, mê mê sảng sảng mộng gặp một ông lão nói rằng: “ Ngươi muốn sống thêm để thấy các con trả thù thì hãy lập đàn Bông Hoa, hai cây nến, tiền vàng áo mũ, dưới bày cỗ mặn trên bày cỗ chay, cầu đảo lễ trong năm là được.
Khi bà tỉnh dậy, gọi bốn con trai lại, sắm đủ lễ nghi, lập đàn cầu đảo y như trong mộng đã gặp, quả nhiên bệnh tật bình phục. Từ đấy mẹ con cứ mỗi tháng đến ngày 25 lại lập đàn như trước, cầu khấn . Một ngày nghe tin hai chị em họ Trưng( Trưng Trắc, Trưng Nhị) khởi binh ở cửa sông Hát Môn, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai, đạo Sơn Tây, mẹ con ý muốn đến theo nhưng không biết làm sao mà gặp được. Trưng Nhị đến chiêu dụ, cả năm mẹ con đều theo. Bà Trưng giao cho bà Lê Hoa quản đội nữ binh và bốn người con trai đều cho nhập vào đội Tả Hữu Tiền Phong đi chiêu dụ phủ huyện đến các quan lang phụ đạo dấy cờ phục nghĩa đánh kẻ tàn bạo. Một tuần đi chiêu dụ số người lên đến hơn 6 vạn, chia đường cùng thẳng tiến tới thành Tô Định. Đại chiến một trận, Tô Định đại bại, chạy về Bắc quốc, bà Trưng tự lập làm vua, các chư tướng được phong tước lộc, mẹ con bà hoa chối từ không nhận mà chỉ xin lập một khu đất ở trang Yên Nội làm một khu thượng, chuẩn miễn cho tô thuế , binh dịch. Trưng vương đồng ý và ban cho thực ấp ở huyện Nga Sơn.
Mẹ con bà bái tạ trở về khu Thượng trang An Nội khai khẩn đất đai, mở đường dựng nhà, về sau được tới hơn bốn năm mươi nhà đều tôn họ Mai là trưởng.
Tháng 2 bà Hoa bị bệnh, đến ngày 25 bốn người con trai lập đàn cầu đảo như trước, nghe thấy âm thanh tiếng người đâu đó vọng lại rằng: Số bà đã hết khấn cầu làm gì nữa, nghe xong thì bà Hoa tạ thế, lúc ấy là ngày 25 tháng 2.
Bốn người con trai bèn dâng biểu tấu lên Trưng Vương, biết tin Trưng Vương thương tiếc than rằng: Duy chỉ có Lê Thị Hoa là rất nhân từ, lại thiện lành biết dạy con cái do vậy bèn ban cho tên hiệu là Từ Thiện, tặng là Phu Nhân” rồi sai sứ thần chon nơi đất tốt hành lễ an táng và cho lập miếu thờ ở trước nơi bà ở để thờ phụng bà. ( Mộ ở phía Tây khu dân cư, tục gọi là ... (bị đục mất chữ ).
Từ đó cầu đảo thấy có linh ứng và bà là vợ của ông thuỷ tộc họ Mai, cũng là Thuỷ tổ tộc họ Mai ở khu Thượng. Nhân dân cũng đều phụng thờ ở đấy.
Ô hô! Từ thiện phụ nhân là người có năng lực kiên trinh, thủ tiết thờ chồng dạy dỗ con cái thành người, báo được thù cho chồng đồng thời là một người mẹ hiếu phụ vậy. Cho nên được biên thành phả lục, ghi vào sổ gấm khiến cho đời sau, người người có thể chiêm ngưỡng.
Bà Lê Thị Hoa tên hiệu là Từ Thiện, tặng phong là Phu Nhân, Dòng tộc họ Mai, khu Thượng trang An Nội phụng thờ.
Ngày tốt đầu đông, niên hiệu Hồng Phúc thứ 1(1572). Hàn Lâm Viện, Đông các đại học sĩ thần Nguyễn Bính phụng soạn./
Ngày tốt cuối đông niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2(1736) Quản giám bách thần, Tri điện Hùng Lĩnh thiếu khanh thần Nguyễn Hiền tuân sao lại theo nguyên bản chính.
Con cháu tộc họ Mai ở thôn Ngũ Kiên, tổng Cao Vịnh, huyện Nga Sơn, (nay là Nga Thiện) phủ Hà Trung là các ông: Mai Đức Chiêu, Mai Đức Đương, Mai Văn Quí, mai Đức Hữu… cả tộc trên dưới tục ghi sự việc nguyên theo chính bản.
Sự tích Thuỷ tổ đã bị cháy mất, mọi người truyền lại không rõ ràng, vào niên hiệu Tự Đức thứ 19 (1866) có đến xã Bình Đằng, tổng Bạch Hạch, tỉnh Sơn Tây nghe vị Tú Tài nói lại về đời thế gia tiên hiển đạt của các bậc tiên nhân, cho nên tìm được thần tích cho nên báo cáo rội rãi thôn xã nào thần thích bị thất truyền thì đến nhận lại thuận tiện ở ta. Phả lục tổ tiên như thế, xuất chúng như thế ! Ôi, tổ tiên ta bắt đầu khởi dựng từ thời Trưng Vương từ trước đến nay 1845 năm mà phả ghi chép rõ ràng như vậy, biểu dương không một người nào, không một việc gì được ghi trong phả thì có thể không bị mất, lãng quên….do vậy ghi chép vào đã để lưu truyền mãi mãi, khiến cho con cháu đời sau có thể kính trọng giữ gìn, cho nên ghi chép vậy.
Ngày mồng 9 tháng 9 năm Tân Mùi niên hiệu Tự Đức thứ 24 (1871).
Người trong tộc là Tú Tài Mai Trân thừa tả.
Thợ đá ngườì cùng huyện xã Yên Khoái là Mai Hữu Quyền khắc bia.
(Còn tiếp)
*/ Đền thờ :
Đền thờ Bà Từ Thiện Phu nhân thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1989. Hàng năm, họ Mai xã Nga Thiện tổ chức tế lễ vào ngày 25 tháng 2 và ngày 15 tháng 11 âm lịch, theo nghi thức tế thần.
Câu đối:
Thệ báo tô cừu thanh Bắc khấu
Nghĩa phù Trưng chúa phục Nam bang
Bình tức nữ nhi dinh tức tướng
Tộc vi thủy tổ ấp vi thần
Oanh liệt nhất trường đương nhi thị nhĩ
Bản chi bách thế diệc hữu lợi tai
*/ Sắcphong : Hiện có 8 sắc phong, trong đó có 1 cái bị rách không dịch được.
Sắc 1 : Thành Thái năm thứ 13 (1901). Sắc cho 2 thôn An Nội, Ngũ Kiên phụng thờ bà Từ Thiện phu nhân, được phong tặng là bậc thần Dực bảo Trung hưng linh phù (bản sao).
Sắc 2 : Duy Tân năm thứ 1 (1907). Sắc cho ông Mai Trưởng Giáp thờ bà Từ Thiện phu nhân, được phong tặng là bậc thần Dực bảo Trung hưng linh phù .
Sắc 3: Duy Tân năm thứ 1 (1907). Sắc cho ông Mai Trưởng Giáp phụng thờ Tứ Dực tướng công, được phong tặng là bậc thần Dực bảo Trung hưng linh phù .
Sắc 4 : Duy Tân năm thứ 3 (1909). Sắc cho ông Mai Trưởng Giáp phụng thờ bậc thần Dực Bảo Trung Hưng Linh phù Từ Thiện phu nhân. Đặc biệt chuẩn cho phụng thờ như cũ, dùng lễ quốc khánh mà phương pháp tế cũng dõi theo điển lễ xưa.
Sắc 5 : Duy Tân năm thứ 3 (1909). Sắc cho ông Mai Trưởng Giáp phụng thờ Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Tả Hữu tiền phong tứ dực tướng công. Đặc biệt chuẩn cho phụng thờ như cũ, dùng lễ quốc khánh mà phương pháp tế cũng dõi theo điển lễ xưa.
Sắc 6:Khải Định năm thứ 9 (1924). Sắc cho ông Mai Trưởng Giáp phụng thờ bậc tôn thần được nguyên tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh phù Tả Hữu tiền phong Tứ Dực tướng công. Lại gia tặng thêm là Đoan túc tôn thần . Đặc biệt chuẩn phong cho phép phụng thờ, dùng theo lễ quốc khánh.
Sắc 7 : Khải Định năm thứ 9 (1924). Sắc cho ông Mai Trưởng Giáp trước phụng thờ bậc tôn thần được nguyên tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh phù Từ Thiện phu nhân. Lại gia tặng thêm là bậc thần Trinh Uyển . Đặc biệt chuẩn phong cho phép phụng thờ, dùng theo lễ quốc khánh.
*/ Thần tích : Nội dung chính phần Thần tích cũng tương tự như như nội dung văn bia.
Hậu khởi nghĩa Hai Bà Trưng : Tháng 2, năm Canh Tý (40), Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị nổi binh đán h thắng, Tô Định chạy về nước. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương. Ngày 30 tháng 2 năm Tân Sửu (41), nhà Hán thấy bà xưng vương dấy quân, cho Mã Việnlàm Phục Ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó sang xâm lược. Tháng Giêng năm Nhâm Dần (42), Mã Viện tiến theo đường ven biển, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đánh nhau với vua. Hai bà thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cấm Khê. Quân cũng cho vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy. Năm Quý Mão (43), Hai Bà Trưng chống cự lại với quân nhà Hán, thế cô, bị thua, đều tử trận. Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót lại, tàn quân đầu hàng, Mã Viện bèn dựng cột đồng ở trên động Cổ Lâu châu Khâm làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán, và khắc lên đó dòng chữ thề: "Cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt" (Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt).
Riêng mẹ con bà Lê Thị Hoa, sau khi đánh thắng Tô Định, cùng nhau trở về khu Thượng trang An Nội xây dựng lân ấp. Ngày 25 tháng 2 năm Tân Sửu, bà Hoa mất. Sau khi Mã Viện thắng trận, cả 4 người con trai của bà Hoa phải chạy trốn sự truy đuổi của Mã Viện, 2 người con trai đầu của bà Hoa là Mai Đạt và Mai Thỏa chạy vào phía Nam (lúc đó nước ta mới chỉ đến tỉnh Hà Tĩnh ngày nay); hai người em là Mai An và Mai Trí sau khi yên hàn lại trở về Thượng trang Yên Nội.
Gia phả họ Mai ở đây cũng bị bỏ trống mất khoảng dài, nay lập được 16 đời, lấy cụ Phúc Thuận làm đời thứ 3 và coi là Tổ của họ.